TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

NỖI BUỒN SỐ PHẬN

Tác giả: Huỳnh Oanh
Thể loại: Bút ký

**Lời Tòa Soạn : Diễn Đàn Nông Gia Việt Nam-Nam Úc xin giới thiệu đến quí độc giả bài viết nhan đề: Nỗi Buồn Số Phận. Tác giả ghi lại Nỗi Buồn của mình khi bị những đứa em chiếm đoạt tài sản. Đây là một câu chuyện có thật xãy ra ở VN và vụ kiện hiện nay đang được tòa án Tiền Giang thụ lý.
     Adelaide ngày 09/07/2022

     Trường Dương
      DĐNGVN-NU

     Tôi là chị lớn trong một gia đình có tám người con, bốn trai và bốn gái. Hồi còn thơ ấu, tôi đã có được những ngày sống hạnh phúc và đầy đủ vật chất như một đứa con nhà giàu, dù Ba Vú tôi không phải là hộ nhà giàu có trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng vì ba thương tôi nên tôi muốn gì thì được ba chìu chuộng mua cho tôi.
     Rồi thời gian tuổi thơ của tôi đã rẻ sang một khúc quanh cuộc đời khi ba vú tôi làm ăn thất bại! Sau khi bán hết tài sản ở Chợ Thiết, ba vú nghe theo lời khuyên bác Tư tôi, đùm bọc đàn con về Mỹ Tho mở tiệm uốn tóc trên đường Lê Lợi. Với số tiền nhỏ nhoi còn lại của gia đình, ba mua căn nhà tọa lạc trong con hẻm nhỏ thông ra dòng sông Bảo Định. Nhà mang số 342/1 đường Alexandre de Rhodes. Nhà cất vật liệu đơn sơ: Mái lợp lá, vách và sàn lót bằng ván cây tạp... Diện tích nhà chật hẹp so với gia đình có 6 người cư trú: Ba, Vú và bốn chị em tôi.
    Những năm tháng êm đềm trôi đi với bao kỷ niệm chồng chất. Nào: Những hôm tôi cùng với em trai tắm sông, tôi hay đi qua vườn bên kia sông hái hoa về ép vào tập Lưu Bút ngày xanh... Khi tôi học xong lớp nhất, vì gia đình bận làm ăn nên tôi nghỉ học ở nhà trông nom những em tôi còn nhỏ dại. Khi tôi đã lớn, ba dạy cho tôi nghề và tiếp với ba tôi điều hành tiệm uốn tóc với cái tên duy nhất một chữ: Đẹp. Nghề uốn tóc bấy giờ không thịnh hành lắm nên làm ăn ế ẩm, ba tôi phải sang cửa tiệm và bôn ba các tỉnh miền Tây hành nghề mua bán dụng cụ làm tóc như: Thuốc lạnh, máy sấy, ghế gội, kem dưỡng tóc.v..v.... Thời gian nầy, thu nhập tương đối đủ sống cho gia đình nên các em tôi được đi học trường tư thục Hoa Kiều.
    Đến năm mười chín tuổi, tôi có tình yêu với một anh học sinh ở trọ cạnh nhà tôi. Quê anh ở xã Điềm Hy. Gia đình anh thuộc hạng khá giả, có tiếng tăm trong vùng. Chúng tôi quen nhau thời gian dài và đã trãi qua những lần cải vả nhau, tưởng chừng không thành chồng vợ... Nhưng rồi duyên phận đã định, chúng tôi quyết định đi đến hôn nhân, và mãi tới năm 1974 chúng tôi mới tổ chức đám cưới.
     Ngày lễ đính hôn, bên nhà chồng mang đầy đủ sính lễ: Ngũ quả và con heo quay. Rồi đến khi đám cưới, bên chồng tôi cũng tổ chức đầy đủ lễ nghi, làm nở mặt nở mày Ba Vú tôi gã con gái cho một gia đình vọng tộc.
    Một năm sau, tôi sanh đứa con gái đầu lòng ngay thời điểm kinh tế khó khăn, cuối năm của ngày miền Nam được ‘Giải phóng’, ngày sinh con gái tôi là 05/12/ 1975. Khi xuất viện tôi về nhà ba vú ở để cho tiện việc Vú chăm sóc tôi và không làm gánh nặng cho mẹ chồng. Thời gian ở nhà ba vú, tôi trải qua những ngày khó khăn thiếu hụt. Trải qua những lần nhịn đói, nhịn ăn, sống chen chút trong căn nhà lá dột nát. Có nhiều hôm giữa đêm trời mưa lớn, ba tôi phải thức dậy và lấy những chiếc nồi và những cái thau hứng nước mưa dột.
    Sống trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế, chồng tôi tìm đường vượt biển, mong cho đổi đời. Nhưng không may, chuyến đi vượt biển đầu tiên không thành và chồng tôi bị bắt nhốt tù mười tám tháng.Thời gian chồng bị tù, tôi phải bán từng chiếc áo dài để có tiền thăm nuôi chồng.
    Sau khi được thả ra khỏi tù, chồng tôi tiếp tục con đường đi tìm tự do và lại không toại nguyện, chồng tôi bị thêm hai lần tù nữa!!!! Và rồi mãi đến tháng tư năm 1985, chúng tôi mới vượt biển thành công, sống tạm cư ở đảo Pulau Bidong thời gian một năm rồi mới được định cư ở Úc.
     Những ngày đầu ở Úc, tôi đi làm thuê cho các chủ nông trại người Việt và Hy Lạp. Công việc của tôi làm là nhổ cỏ, hái dưa, hái cà. Chồng tôi thì đi lảnh thầu xây dựng nhà kính. Thu nhập của vợ chồng tôi cũng tạm đủ chi phí gia đình và còn dư chút ít gởi về quê nhà để phụ với ba vú tôi nuôi đàn em nhỏ dại.
     Một năm sau, ba tôi ngã bệnh. Một căn bệnh quái ác, ung thư gan thời kỳ cuối! Khi nghe tin ba bị bệnh gần chết và ba mong muốn gặp mặt tôi lần cuối. Tôi trằn trọc nhiều đêm và xin ý kiến chồng. Chồng tôi chấp nhận cho tôi về Việt Nam để gặp ba lần cuối, theo như ba tôi mong ước. Nhưng thời gian nầy, Việt Nam và Úc chưa có thiết lập ngoại giao nên những người Việt ở Úc muốn đi về Việt Nam thì chỉ xin được visa qua Thái Lan rồi từ Thái về Việt Nam bằng visa ‘bất hợp pháp’. Với loại visa nầy, nếu bị trở ngại gì ở Việt Nam thì chính phủ Úc không can thiệp được.
     Tôi còn nhớ rỏ trong đầu óc! Ngày tôi về thăm ba, vừa bước vào nhà, tôi thấy ba đứng trước nhà, tay vịn vào khung cửa chờ tôi về. Tôi chạy đến ôm ba và khóc. Hai cha con tôi đã hơn ba năm rồi mới gặp lại mà tôi tưởng chừng thời gian dài mười mấy năm xa cách. Suốt cả đêm, hai cha con thức nói chuyện. Ba tôi kể chuyện bên Tàu, chuyện ông nội đùm bọc đàn con qua Việt Nam tha phương cầu thực, chuyện những ngày ba tôi dạy học ở trường Hoa Kiều Châu Đốc, Thủ Thiêm....
     Tôi ở bên cạnh ba được ba tuần thì ba trở bệnh và hôn mê. Những khi tĩnh táo, ba tôi nói với tôi những lời trăn trối:
- Khi con về lại Úc, chắc ba chết! Mấy hôm nay con cực với ba nhiều rồi!
     Ba tôi trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
- Khi ba chết rồi, con về Úc nói với ba của Mỹ Phương cố làm kiếm tiền gởi về phụ giúp Vú nuôi các em của con, chúng nó còn khờ dại.....
    Nghe ba nói, tôi ứa nước mắt và an ủi ba:
- Ba sẽ hết bệnh. Bệnh ung thư bây giờ có thể chữa trị được.
    Tôi chỉ nói để tạo hy vọng cho ba mà thôi. Vì bệnh ung thư là căn bệnh quái ác, nó cướp hằng triệu sinh mạng con người trên thế giới! Và đúng như lời trăn trối của ba: Ba tôi chết vào giữa đêm, trước khi tôi về Úc!
    Ngày tôi về Úc cũng là ngày chôn cất ba tôi. Trước khi đi, tôi đã trút hết tiền bạc để lại cho Vú tôi trang trải chi phí ma chay và xây mả mồ cho ba. Trên đường đi đến sân bay, lòng tôi như dao cắt, mắt lệ nhạt nhòa vì tôi không được đưa ba tôi đến tận huyệt mộ, tiễn ba tôi yên giấc nghìn thu...
    Những ngày sau khi ba mất, tôi cố gắng làm lụng vất vả, dành dụm thêm tiền để gởi về gia đình cho Vú nuôi đàn em tôi và tu sửa lại căn nhà cũ nơi con hẻm thông ra sông Bảo Định. Cuộc sống Vú tôi bấy giờ đã ổn định vì có tiền tôi gởi về hằng tháng cho gia đình. Vú tôi không còn phải bôn ba, lặn lội mua bán thuốc uốn tóc kiếm tiền như trước kia nữa. Mấy đứa em trai thì vào làm việc cho cơ quan nhà nước. Thằng em trai thứ ba tốt nghiệp đại học Kinh Tế và làm việc ở phòng Tài Vụ của Bộ Xây Dựng, em trai thứ năm thi hành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia, em trai thứ tám tốt nghiệp trường Nông Nghiệp và làm việc cho trại chăn nuôi heo ở huyện Châu Thành, thằng út thì còn đi học phổ thông.
     Một năm sau, năm 1991, chồng tôi về Việt Nam thăm gia đình. Thời gian ở Việt Nam, chồng tôi nhận thấy gia đình Vú tôi sống trong căn nhà chật hẹp, thiếu kém tiện nghi... Vì vậy chồng tôi có ý định mua căn nhà để sau nầy về VN sinh sống khi tuổi già. Khi mua nhà xong, vì chính sách nhà nước chưa cho Việt Kiều được đứng tên chủ quyền nên tôi nhờ vú tôi đứng tên giấy chủ quyền, hầu nở mặt nở mày với lối xóm bà con và có chỗ tiện nghi để trú ngụ khi chúng tôi về VN thăm gia đình. Căn nhà chồng tôi mua với thời giá bấy giờ là 26 lượng vàng. Nhà hai tầng lầu, có một gác lửng, nhà mới xây xong, tọa lạc trên đường chánh vào thành phố Mỹ Tho. Khi mua xong, chúng tôi gởi tiền về cho thợ mộc trang trí nội thất, tốn thêm 12 chỉ vàng nữa.  
     Khi gia đình Vú tôi dọn về nhà mới khang trang, với quan niệm xã hội theo phong kiến ‘Môn đăng hộ đối’ trong cuộc sống nên mấy em tôi cưới vợ gã chồng với các gia đình khá giả: Thằng em út cưới vợ con tiệm thợ bạc, em thứ tám cưới vợ con chủ bán vật liệu xây dựng, thằng em trai thứ ba thì cưới con gái ông tổng giám đốc tổng công ty Xây Dựng số 1 Miền Nam trực thuộc Bộ Xây Dựng, em gái thứ sáu thì gã cho con trai của gia đình hành nghề hàn tiện và gió đá... Vì vậy, khi nhìn thấy các em tôi đã yên bề gia thất và làm ăn khấm khá, tôi đã yên lòng và hương hồn ba tôi chắc cũng được yên vui nơi suối vàng, vì tôi đã thực hiện ước nguyện của ba tôi khi lúc lâm chung.
     Thế rồi lực bất tòng tâm, Vú tôi đã già và sức khỏe yếu kém, nay đau mai bệnh....Vì vậy, vào đầu năm 2013, tôi về Việt Nam để Vú làm Di Chúc căn nhà cho tôi, phòng khi Vú có chuyện gì bất trắc xảy ra, tránh việc tranh giành gia tài...
     Khi làm Di Chúc xong, tôi về lại Úc mang theo tờ Di Chúc và Sổ Đỏ căn nhà, phòng khi em tôi làm ăn thua lổ rồi đem căn nhà của tôi cầm cố và thế chấp cho ngân hàng, giống như các trường hợp xãy ra ở Việt Nam mà báo chí thường đăng tải...
    Vú thực hiện Di Chúc xong thì Vú tôi lâm trọng bệnh và kéo dài chữa trị gần hai năm trời Vú tôi mới qua đời! Ngày Vú mất, tôi là chị cả trong gia đình, nên tôi phải về lo ma chay và xây mộ phần cho Vú, bên cạnh mộ phần của ba tôi.       
     Tháng sáu 2018, tôi về Việt Nam làm lễ giỗ lần thứ tư cho Vú và sẳn dịp làm thủ tục hưởng quyền thừa kế.. Nhưng than ôi! Khi tôi lên Ban Địa Chính thì mới biết có thêm một di chúc khác cho 3 người em tôi là: Huỳnh Anh Dũng, Huỳnh Anh Vỹ và Huỳnh Thi Bạch Vân. Khi nhân viên địa chính báo cho tôi biết sự việc, tôi ngất xỉu tại văn phòng! Khi tĩnh lại tôi về nhà gặp em gái tôi và hỏi lý do. Nó đanh thép trả lời:
- Đây là Di Chúc của Vú làm lại để cho 3 người con có tên trong Di Chúc thừa hưởng căn nhà nầy.
    Tôi nói với nó:
- Đây là căn nhà của chị và anh hai mầy về mua cho Vú ở. Vú đã làm Di Chúc cho tao vào ngày 12/8/2015. 
    Hai chúng tôi cải vả một lúc rồi nó hung tợn nói với tôi:
- Bây giờ theo di chúc mới, đây là nhà của tôi. Bà còn ở đây nói nhiều thì tôi báo công an đến bắt bà.....  
    Nghe nó nói, tôi chỉ biết thốt lên:
- Trời ơi! Uổng công tao nuôi nấng tụi mầy ba mươi mấy năm qua... Bây giờ tụi mầy trả ơn bằng cách cướp nhà của tao. Tụi mầy sẽ bị quả báo.
     Sau khi cải vả với em gái, tôi xếp quần áo vào vali và về nhà chị chồng của tôi tạm ở nhờ, chờ ngày về lại Úc. Những ngày còn ở Việt Nam, nhiều đêm tôi trằn trọc thâu canh, nghĩ đến những ngày tôi gởi tiền về cho Vú tôi nuôi các em tôi, nghĩ về tình người vì vật chất mà quên đi máu mủ ruột thịt, nghĩ về ân tình báo hiếu..v..v.... Vì nhiều đêm không ngủ đã làm con người của tôi tiều tụy hẳn đi. Tôi nghiệp thằng em út, nó sát cánh với tôi, và khuyên lơn tôi giữ gìn sức khỏe để chờ công lý lấy lại công đạo cho tôi.
      Rồi những ngày sau đó, một đêm của mùa thu trời oi bức ở VN, tôi trằn trọc mãi, lo âu về những thứ giấy tờ rồi mệt mỏi đi vào giấc ngủ chập chờn. Trong giấc ngủ, tôi nằm mộng thấy mẹ về báo mộng, rằng: “ Những giấy tờ nhà, vú cất  trong căn tủ quần áo của con.”. Khi tỉnh mộng, tôi nghĩ chắc là vì lo lắng quá nên rơi vào tâm trạng mộng mị mà thôi.
      Xong việc làm đơn và giấy ngăn chận gởi cho nhà đất và ủy ban phường 5 thành phố Mytho, tôi về lại Úc. Vừa về tới nhà, tôi nhớ lại giấc mơ và vội vả mở căn tủ quần áo ra lục soát. Quả thật, dưới đống quần áo trên ngăn tủ có một túi nylon đựng giấy tờ gồm những hình ảnh, thư từ của tôi lưu lại làm kỷ niệm thời xuân sắc, có cả những bức thư tình và hình ảnh cách nay gần 50 năm của chồng tôi gởi khi quen nhau, Vừa lục soát vừa xem lại những kỷ vật ngày xưa… Bất chợt tôi thấy những lá thư và biên nhận gởi tiền vàng về VN để trả cho người bán nhà và thợ mộc trang trí nội thất... Những chứng cứ nầy đúng y như trong báo mộng của Vú tôi.
     Tôi kết thúc bài viết tâm sự nầy bằng những lời từ lương tâm của tôi, rằng: Xin các em tôi hãy suy nghĩ lại những gì mà hơn bốn mươi năm qua, kể từ ngày theo chồng, tôi đã hy sinh cho gia đình tôi rất nhiều..

Adelaide 09/7/2022
    Huỳnh Oanh